13
-/5
Đặt trước 5 ngày
MÂM QUẢ TRẦU CAU
Chúng ta vẫn thường nghe: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “Miếng trầu ăn kết làm đôi/ Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng/ Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên…” Trầu cau thể hiện cho sự gắn bó son sắt giữa vợ chồng, anh em, làng xóm. Do đó, mâm quả trầu cau là vật phẩm không thể thiếu trong Cưới Hỏi và còn được coi là mâm quả quan trọng bậc nhất. Một mâm trầu cau đầy ắp và mướt xanh, không chỉ thể hiện sự quý trọng mối tơ duyên của cô dâu và chú rể, mà còn thể hiện ước nguyện cho hạnh phúc son đỏ như nước trầu, mong cho cô dâu hòa thuận trong gia đình, làng xóm. Sau đám cưới, nhà trai thường chia trầu cau thành nhiều gói và phát cho hàng xóm như một lời thông báo rằng gia chủ đã có con hiền dâu thảo.
Trước đây mâm quả trầu cau thường được chuẩn bị rất kĩ lưỡng, gồm 01 buồng cau nõn và lá trầu xanh, với mỗi quả cau đi kèm 02 lá trầu cho có đôi có cặp. Số quả cau trong buồng cũng được chọn theo phong tục dân gian, như 105 quả biểu trưng cho 100 năm hạnh phúc hay 60 quả theo cách ví von 60 năm cuộc đời. Đối với người miền Bắc, trầu cau được têm cánh phượng, riêng lá trầu thì phải là loại trầu cay, dày và được phết vôi trắng đi kèm thuốc lào. Còn người miền Nam têm trầu theo kiểu bánh ú, với loại lá trầu ngọt (thường dùng trầu Bà Điểm, Hóc Môn) và phết vôi đỏ. Ngày nay tục lệ ăn trầu không còn phát triển nữa, do vậy mâm quả trầu cau cũng chuẩn bị đơn giản hơn để tiết kiệm chi phí. Theo đó, mâm quả trầu cau sẽ gồm 6 miếng trầu têm cùng quả cau bổ làm 6 tuy nhiên ý nghĩa của mâm trầu cau cũng sẽ bị thuyên giảm. Do vậy nếu nhà trai đủ điều kiện vẫn nên chuẩn bị mâm quả này thật kĩ lưỡng theo hướng dẫn như trên để thể hiện sự tiếp đón nồng nhiệt với con dâu mới.