1/15

? Ở Sài thành có nhiều loại ẩm thực ngon bổ rẻ nhưng thứ gần gũi và gây cảm xúc hơn cả là bánh mì. Đây là món ăn vừa đặc trưng, vừa rẻ, ngon, lại tiện lợi, được thực khách sử dụng bất cứ lúc nào trong ngày.

? Không biết từ bao giờ, bánh mì đã trở thành một món ăn hết sức quen thuộc với người Việt (nói chung) và người Sài Gòn (nói riêng). Họ ăn bánh mì bất kỳ lúc nào trong ngày, từ món điểm tâm sáng, bữa trưa cho đến lót dạ lúc đêm khuya. Cùng với đó, các hàng bán bánh mì mọc lên khắp nơi, từ trong hẻm nhỏ ra ngoài phố lớn, từ tủ bánh mì ven đường đến những nhà hàng sang trọng. Có người từng nói bánh mì đã gắn chặt với đời sống thường nhật của người Sài Gòn hơn trăm năm nay.

? Ở Sài Gòn, bánh mì có lẽ là món ăn phổ biến nhất, tới mức cứ hễ nghe tiếng rao “bánh mì Sài Gòn, hai ngàn một ổ” là người ta lại nghĩ ngay đến những chiếc bánh vàng rượm, nóng hổi, thơm phưng phức mùi bơ, sữa và bột trộn. Và khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, không khó để người dân và du khách bắt gặp những xe bánh mì dạo, những cửa hàng bán bánh mì, từ cao cấp đến bình dân.

? Phổ biến nhất là những xe bán bánh mì dạo. Có những xe tuổi đời cả trăm năm, cha truyền con nối, đời này qua đời khác thay nhau đi bán rong. Là món ăn vừa ngon, vừa rẻ lại tiện lợi, bánh mì có thể được sử dụng bất cứ lúc nào trong ngày.

? Thời gian gần đây xuất hiện nhiều người đẩy xe đi bán hơn trước. Từ những con phố lớn đến những hẻm sâu nhỏ hẹp, du khách phương xa đến TP.HCM đều có thể dễ dàng bắt gặp những xe bán bánh mì dạo. Những chiếc xe này có đặc điểm phần yên có gắn một cần xé bọc vải bao bố bên ngoài, lót giấy bên trong để giữ cho bánh mì nóng lâu.

? Ngày trước, những người đi bán bánh mì hãy còn rao khản cả cổ “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ” từ sáng đến chiều. Tuy nhiên, ngày nay, tiếng rao này được thay thế bằng loa tự động, và giá một ổ bánh mì cũng thay đổi theo thời gian, lên 2.000, 3.000 và hiện tại là 5.000 đồng.

? Hơn thế nữa, bánh mì còn lấn sân vào những cửa hàng, quán ăn ở Sài Gòn. Một trong những tiệm bán bánh mì đầu tiên tại đây là tiệm Hoà Mã, ra đời năm 1958 ở quận 3. Tiệm này đông không ngớt khách từ sáng sớm và món được ưa chuộng nhất là bánh mì ăn kèm với chảo đồ ăn nóng bao gồm trứng ốp-la, thịt nguội, pate, chả cá, đồ chua… Chỉ có như vậy nhưng nhiều người thích thú và xem Hòa Mã là địa chỉ thưởng thức bánh mì quen thuộc. Mỗi phần bánh mì chảo có giá 50.000 đồng, không quá đắt cho tầng lớp trung lưu tại Sài Gòn.

? Người Sài Gòn ăn bánh mì nhiều nhất có lẽ là vào buổi sáng. Nhịp sống bận rộn, hối hả nơi đây đôi khi không cho phép nhiều người có thời gian để ngồi lại một quán ăn để thưởng thức một món nào đó.

? Vì thế, bánh mì là một món ăn giản tiện, chỉ mất đôi ba phút và đủ no bụng để người Sài Gòn tiếp tục hoà nhịp vào vòng xoáy của công việc. Trên nhiều tuyến đường tại đây, mỗi buổi sáng, ta có thể dễ dàng bắt gặp những xe bánh mì lưu động, chuyên bán bánh mì ăn sáng cho người đi đường.

? Bánh mì cũng là món ăn rất phù hợp với giới học sinh - sinh viên vì ưu điểm giá rẻ và tiện lợi. Buổi sáng, đi ngang các trường trung học - đại học, không khó để bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh - sinh viên trên tay cầm ổ bánh mì và vô tư cười đùa với nhau.

? Và tại các quán cà phê ven đường buổi sáng, ổ bánh mì là món ăn lót dạ quen thuộc và đơn giản để nhiều người thưởng thức cùng ly cà phê, chuẩn bị năng lượng cho một ngày làm việc.

? Bánh mì cũng là món ăn gắn chặt với nhiều tầng lớp dân Sài Gòn, từ người nghèo đến người giàu. Ở đây có cả những tủ bánh mì từ thiện dành cho người nghèo. Các cô lao công, chú bảo vệ, người bán hàng rong... cứ thế đi ngang, lấy cho mình và người thân đôi ba ổ để lót dạ, vậy là qua bữa. Và ngay những người đi ôtô cũng chọn bánh mì làm món ăn chính, đơn giản thì tấp xe vào lề, gọi với người bán làm một ổ nhiều thịt, hoặc cầu kỳ hơn thì vào quán bánh mì gọi một phần bò beefsteak ăn cùng.

? Từ trong chợ ra ngoài phố, từ ngõ hẻm đến đường lộ, từ trung tâm ra ngoại thành... đâu đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán bánh mì với đủ các loại nhân như: xíu mại, bì, thịt chả, thịt nướng, heo quay, gà, chả cá, thịt bò… Hoặc đơn giản hơn, người ta còn có thể mua ổ bánh mì không về, chấm với sữa đặc hay sữa tươi đều được, hoặc xịt vào tí nước tương, hay nước mắm, vậy là cũng thành bữa ăn.

? Anh Phil Joseph, khách du lịch chọn mua bánh mì tại một cửa hàng nổi tiếng ở quận 1, cho biết: "Tôi đã ở Việt Nam được hơn 1 tháng và từng ăn bánh mì ở nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng... "Có vẻ như món ăn này xuất hiện ở mọi nơi ở đất nước các bạn. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả đối với tôi là bánh mì Sài Gòn, bởi không chỉ bánh và nhân ngon mà điều đặc biệt còn nằm ở các loại rau gia vị đi kèm như hành, ngò, dưa chua... Chúng làm cho ổ bánh mì Sài Gòn trở nên khác biệt", vị khách đến từ Canada nói.

? Ông Christopher Lane (45 tuổi), cựu phóng viên ảnh, từng làm việc cho nhiều tờ báo ở thành phố New Orleans (Mỹ) mua đến 3 ổ bánh mì một lần.

? Ông chia sẻ: "Tôi nghiện món ăn này ngay từ khi ở Mỹ và thường mua bánh ở khu cộng đồng người Việt sinh sống tại New Orleans. Khi đi du lịch Việt Nam, tôi đã thử ngay món này và đã không thất vọng. Điều làm bánh mì Sài Gòn trở nên hấp dẫn hơn so với những nơi khác là nó rất giòn. Khi dùng, tôi nhớ lại cảm giác ăn ổ bánh mì ngon nhất tại New Orleans".

? Từ khi người Pháp mang ổ bánh mì đầu tiên đến Việt Nam, đến nay, ổ bánh mì đã được cải tiến và thay đổi rất nhiều để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Và món ăn này sẽ còn mãi gắn bó với đời sống ẩm thực của người Sài Gòn - nói riêng - và cả người Việt Nam - nói chung .


5
4