1/10

? Phá lấu là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người ta truyền tai nhau câu chuyện kể về gốc gác của món ăn: Ngày xưa, người Tiều bị người Phúc Kiến xua đuổi ra khỏi mảnh đất của chính mình, khiến họ phiêu dạt đến Triều Châu. Ở đây, họ phải tìm cách tồn tại, và họ đã vào rừng săn bắt những con thú lớn để ăn. Câu chuyện chưa dừng lại cho đến khi người Tiều nhận ra rằng họ phải tìm cách tận dụng nội tạng và phần thịt không ăn hết của con thú. Đây chính lúc này họ đã nghĩ ra cách bảo quản thức ăn thừa, đó là ướp những thứ này với những gia vị cay để có thể giữ chúng được lâu hơn. Phá lấu ra đời như thế đó, đầy tự nhiên nhưng cũng ngon xuất sắc đến mức bất ngờ.

? Phá Lấu đến với người Việt Nam cũng tự nhiên như vậy, trong phong tục tập quán, xuất phát từ sự cần kiệm của người Việt. Phá Lấu với người Sài Gòn là đặc biệt hơn cả, vì nó gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Những gánh hàng rong rải rác bên cổng trường, khói tỏa nghi ngút, mùi thơm nồng ngào ngạt của nước cốt dừa trong phá lấu dường như mời gọi tất cả những ai qua đường. Đặc biệt là lũ nhóc học trò đói ngấu sau giờ học, thứ món béo ngậy này càng khiến chúng thêm bội phần mê đắm. Rồi cứ thế từng cụm, từng nhóm ngồi vây quanh gánh hàng rong, thưởng thức món ngon. Lũ học trò lớn dần nhưng tuổi thơ về phá lấu trong chúng chắc chắn mãi còn nguyên vẹn.

? Món ăn này được làm từ những nguyên liệu như: Tim, phổi, lòng, lưỡi,…tất cả những gì còn sót lại của con lợn. Món ăn có phần “hỗn độn” vì cái gì cũng có thể cho vào được, nhưng chớ có coi thường bởi hương vị món ăn mới là tuyệt đỉnh. Người phương Tây khi đến Việt Nam họ khá thích thú với món ăn này, vì tuy giản dị nhưng văn hóa người phương Đông được thể hiện khá rõ rệt trong màu sắc, hương vị và cách chế biến. Vì không sử dụng hết cả con lợn mỗi khi thịt, người ta đã đem phần thừa bao gồm cả nội tạng lợn đi tẩm với gia vị, cho vào nồi rồi nấu lên ăn dần, chính vì được ướp gia vị như vậy, mà những nguyên liệu ấy được tiết kiệm, được sử dụng hiệu quả nhất.

? Phá Lấu giản dị đấy, nhưng khiến cả thế hệ chúng tôi yêu thích, nhấm nháp bát Phá Lấu thật lâu để vị cay xè ngấm vào lưỡi, vào từng giác quan. Cay, cay chứ nhưng mà ngon quá, không thể dừng lại.

? Phá Lấu món ăn chơi không hề xa lạ với người Sài Gòn. Những tưởng Phá Lấu đơn giản mộc mạc là thế nhưng hóa ra lại được chế biến khá là phức tạp và cần những bàn tay phù phép giỏi lắm, Phá Lấu mới trở nên ngọt ngào như vậy. Việc cốt cán trong chế biến món ăn bắt đầu từ nồi nước dùng. Tuy rằng mỗi người khác nhau lại có cách nấu hay cân đong nguyên liệu, thời gian khác nhau nhưng hương vị cơ bản nhất của Phá Lấu vẫn là các vị thuốc Bắc : bát giác, quế chi, đại hồi, tiểu hồi,… không chỉ mang đến hương vị thơm ngon mà còn có lợi cho sức khỏe.

? Đối với những ai muốn tự làm cho mình một nồi Phá Lấu thì cũng không phải quá khó. Trước tiên là nguyên liệu, cần chuẩn bị: một quả tim, ruột non, một lưỡi lợn, tai lợn,… có thể mix thêm một số nguyên liệu khác tùy theo sở thích. Tiếp đến là gia vị bao gồm: một thìa cà phê bột ngũ vị hương, nửa chén nước tương, đường, muối, tiêu, tương ớt. Ngoài ra chuẩn bị thêm nước cốt dừa và một chút tỏi đã băm nhuyễn. Sau khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, ta sơ chế tim, ruột non, lưỡi lợn,… bằng cách chà xát chúng với muối hạt, rửa qua với nước sạch. Tiếp theo ta sẽ cho nguyên liệu vào nồi, trộn lẫn gia vị vào để ướp. Chờ khoảng 2 tiếng để gia vị ngấm, xào qua nguyên liệu, rồi đổ nước cốt dừa vào đun đến khi sôi. Nêm gia vị phù hợp, rồi chờ cho nồi Phá Lấu sánh lại, các nguyên liệu chín mềm, tỏa mùi thơm là đã hoàn thành. Phá Lấu sau đó có thể thái mỏng có thể ăn lẫn với cơm hay bánh mì cũng đều rất ngon. Để làm một nồi Phá Lấu không hề khó, nhưng để Phá Lấu ngon, chúng ta vẫn cần thời gian và sự tinh tế.

? Với sự phát triển của kinh tế thị trường Phá Lấu cũng ngày một đổi khác, người ta đã nghĩ ra nhiều cách chế biến Phá Lấu cũng như tạo ra nhiều phiên bản khác của Phá Lấu. Đầu tiên phải kể đến Phá Lấu nước, đây là loại Phá Lấu cơ bản nhất, bát phá lấu nóng hổi thoang thoảng mùi nước dừa cùng một chút cay nồng của quế và ngũ vị hương mà ăn lẫn với bánh mì thì đúng là chén sạch banh. Rồi Phá Lấu chiên, Phá Lấu xào me, Phá Lấu bò,… Đây là sự cách điệu, sự sáng tạo trong chính những món ăn có tuổi đời lâu năm ở Sài Gòn, rất phù hợp cho những ai thong dong trên phố. Phá Lấu thay đổi nhiều nhưng tinh thần của nó thì không hề thay đổi. Đó chính là tinh thần của người Việt đã truyền cho món ăn ấy, đó là sáng tạo, là truyền thống, là quê hương.

? Phá lấu thật tuyệt vời vì nó không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon mà còn là sự hòa quyện tinh hoa của hai nền văn hóa. Món ăn đã có đời sống tinh thần riêng của nó khi đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Sài Gòn. Đôi khi chỉ đơn giản là cùng bạn bè, gia đình ngồi ăn Phá Lấu bên đường hàn huyên đôi ba câu chuyện là đã thấy ấm lòng lắm rồi…


3